Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Thanh Hóa vẫn đang tìm ẩm nguy cơ buôn lậu

 Trong đó, sẽ mở các đợt cao điểm, tấn công mạnh vào các đường dây, ổ nhóm từ biên giới đến các tuyến buôn lậu trọng điểm, qua đó ngăn chặn hoạt động đưa hàng lậu vào Việt Nam.

Theo Ban Chỉ đạo 389 Thanh Hóa, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh tuy không nổi cộm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Tại các tuyến biên giới từ đất liền, nội địa cho đến tuyến biển, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn ra phức tạp, dưới mọi hình thức.

Tin Tức Tổng Hợp - Trang tin tức cập nhật hàng ngày về công nghệthể thaogiáo dục , pháp luật , giải trí ... Để biết thêm thông tin hãy truy cập vào website Tin Tức Tổng Hợp 



Thống kê từ Ban Chỉ đạo 389 Thanh Hóa cho thấy, 10 tháng đầu năm các lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, Kiểm lâm, Ban chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố đã bắt giữ và xử lý 7.142 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, chuyển khởi tố hình sự 279 vụ, xử lý vi phạm hành chính 6.863 vụ (xử lý hàng cấm, hàng lậu 841 vụ và xử lý các hành vi gian lận thương mại khác 5.907 vụ), với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trên 103 tỷ đồng (phạt vi phạm hành chính 42,9 tỷ đồng; trị giá hàng đã bán, tiêu hủy trên 12,3 tỷ đồng và truy thu thuế trên 47,7 tỷ đồng).

Trong tổng số 7.142 vụ đã bị các lực lượng chức năng trong tỉnh bắt, xử lý thì có đến 5.907 vụ gian lận thương mại, phạt vi phạm hành chính gần 36 tỷ đồng, tịch thu 2.434 xuất bản phẩm. Đó là kết quả mà các lực lượng đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, tập trung cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường tại các địa bàn du lịch, lễ hội, đền chùa, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng cấm… Đặc biệt, các lực lượng đã tịch thu tang vật gồm 12.500 kg phân bón, 16.966 ke chống bão, 1.700 kg mỳ chính, hạt nêm các loại, 983 bóng đèn… Cũng từ đầu năm đến nay, các lực lượng trong toàn tỉnh đã tịch thu 4.069 gram heroin; 1.142 viên ma túy tổng hợp; 3.389 gram ma túy đá; 36,4 kg và 33 quả pháo các loại; 60,2 kg thuốc nổ; 5.765 súng, kiếm nhựa; 30.130 bao thuốc lá; 1.982 chai rượu ngoại; 499,8 kg động vật hoang dã; 700 m3 gỗ các loại; 15.000 kg gỗ, củi thuộc loại nguy cấp, quý, hiếm nhưng có hình thù phức tạp; 5.000 kg đường tinh luyện…

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng theo Ban Chỉ đạo 389 Thanh Hóa, tại tuyến biên giới đất liền diễn ra hoạt động mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy có chiều hướng phức tạp, chủ yếu tại một số địa bàn như: Na Mèo, Sơn Thủy (huyện Quan Sơn); các xã Tam Chung, Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý (huyện Mường Lát) nổi lên là một số đối tượng ở nội địa vượt biên sang Lào mua ma túy vận chuyển bằng các đường mòn, đường tắt đưa về Việt Nam tiêu thụ. Cũng tại tuyến này, hoạt động buôn bán, vận chuyển gỗ, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm có nguồn gốc từ Campuchia, Malaysia, Lào và các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên qua Thanh Hóa trên quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt, đường biển diễn biến phức tạp, đối tượng hoạt động với các thủ đoạn như: Lợi dụng thủ tục NK gỗ hợp pháp để trà trộn gỗ khai thác trái phép trong nước, gỗ nhập lậu qua đường tiểu ngạch; đưa động vật hoang dã lậu vào cơ sở gây nuôi sinh sản, sinh trưởng, hợp pháp hóa thủ tục để vận chuyển ra biên giới phía Bắc đi Trung Quốc tiêu thụ, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.

Tại tuyến biển, thời gian qua nổi lên hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, pháo các loại. Trong nội địa, tình hình gian lận thương mại còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực như: Đo lường, chất lượng, giá, khuyến mại…

Tình hình thi hành pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có kết quả nâng cao rõ rệt, các trường hợp vi phạm đã được phát hiện, lập biên bản kịp thời và xử lý đúng đối tượng, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, các tác dụng giáo dục, răn đe đối với các đối tượng có hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các lực lượng trong toàn tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm trên 2 tuyến biên giới và đã thu được kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo 389 Thanh Hóa cho rằng, công tác thực thi quy định của pháp luật còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Những khó khăn trong công tác xử lý vi phạm phần lớn đều xuất phát từ các quy định chưa rõ ràng của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước.

Cụ thể, Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định rõ một số vấn đề như: Thẩm quyền, giao quyền, phân định thẩm quyền trong việc xử phạt vi phạm hành chính nên hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau. Cụ thể, về vấn đề giao quyền tại Điều 54, Khoản 2 Điều 87 và Khoản 2 Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định cấp trưởng giao quyền cho cấp phó đã gây khó khăn cho việc thực thi nhiệm vụ.

Hay bất cập trong xác định trách nhiệm trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các cơ quan, lực lượng chức năng, gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật, dẫn đến tình trạng tranh chấp về mặt thẩm quyền hoặc đùn đẩy trách nhiệm giữa các lực lượng chức năng, phát sinh khiếu kiện đối với quyết định kiểm tra hoặc xử phạt vi phạm hành chính. Đặc biệt, chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn áp dụng xử lý tang vật là chất ma túy bị tịch thu…

Do đó, để hoạt động của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục phát huy hiệu quả thiết thực, Ban Chỉ đạo 389 Thanh Hóa cho rằng, thời gian tới, đơn vị sẽ có chương trình hành động và các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả công tác này. Trong đó, sẽ mở các đợt cao điểm, tấn công mạnh vào các đường dây, ổ nhóm từ biên giới đến các tuyến buôn lậu trọng điểm, qua đó ngăn chặn hoạt động đưa hàng lậu vào Việt Nam.

Ban Chỉ đạo 389 Thanh Hóa đề nghị các cấp có thẩm quyền cần ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác thi hành pháp luật.
Giáo Dục
Thời Sự
Công Nghệ
Thể Thao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét